HỘI CHỨNG THẬN HƯ Ở TRẺ EM? BIẾN CHỨNG VÀ CHẾ ĐỘ ĂN

Thứ tư - 06/11/2024 07:52
ảnh hội chứng thận hư
ảnh hội chứng thận hư

Hội chứng thận hư ở trẻ em? biến chứng  và chế độ ăn

 

Hội chứng thận hư ở trẻ em là tình trạng cầu thận bị tổn thương gây phù và có các biểu hiện bất thường của giảm albumin máu. Tình trạng này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi giới tính nhưng thường gặp nhất là ở trẻ từ 2-9 tuổi. Tỷ lệ mắc hội chứng thận hư ở bé trai cao hơn bé gái.

Mặt khác, khi protein, albumin máu bị rò rỉ ra ngoài, nồng độ protein, albumin trong máu giảm khiến nước thoát ra các mô kẽ, tích tụ trong các cơ quan khác của cơ thể như mặt, tay, chân, cánh tay, bụng,…gây hiện tượng phù.

Trẻ bị nề mi mắt do hội chứng thận hư  (Anh minh họa)

Triệu chứng thận hư ở trẻ em

- Phù: nề mi mắt, phù chân, nề thành bụng, tràn dịch màng bụng, bộ phận sinh dục…

- Nước tiểu có bọt để lâu tan;

- Tăng cân bất thường;

- Nước tiểu có màu đỏ, tăng huyết áp (trong hội chứng thận hư không đơn thuần);

- Nồng độ cholesterol trong máu cao;

- Tiểu ít hơn bình thường;

- Mệt mỏi, Chán ăn.

Nguyên nhân bệnh thận hư ở trẻ

Nguyên nhân gây hội chứng thận hư ở trẻ được chia làm hai nhóm chính:

 Nguyên nhân nguyên phát

Không tìm thấy nguyên nhân.

Nguyên nhân thứ phát

Thường được tìm thấy như sau nhiễm virus HIV, Viêm gan B, C,… hoặc sau một bệnh liên quan tới miễn dịch: Schonlein Henoch, bệnh thận IgA, sau nhiễm trùng liên cầu bêta tan huyết nhóm A.. hoặc bệnh hệ thống (lupus ban đỏ hệ thống)…

 

Cách chẩn đoán hội chứng thận hư ở trẻ

Chẩn đoán hội chứng thận hư ở trẻ dựa vào:

  • Phù trên lâm sàng;
  • Protein niệu cao > 200 mg/mmol;
  • Albumin máu giảm dưới 30 g/l.

 

  • Xét nghiệm nước tiểu: Phương pháp này được thực hiện nhằm xác định xem protein niệu và trong hội chứng thận hư không đơn thuần thì có thể tìm thấy hồng cầu trong nước tiểu có cao hay không.
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu được thực hiện nhằm kiểm tra nồng độ albumin, cholesterol trong máu, chức năng thận (định lượng ure, creatinin máu).
  • Siêu âm: Thông qua hình ảnh thu được từ siêu âm, bác sĩ có thể kiểm tra hình thái của thận.
  • Sinh thiết thận: Phương pháp này thường được thực hiện ở trẻ bị hội chứng thận hư dưới 1 tuổi hoặc trên 10 tuổi hoặc thận hư không đơn thuần.

Biến chứng hội chứng thận hư ở trẻ em

Tắc mạch do hình thành cục máu đông do nguy cơ tăng đông trong hội chứng thận hư vì nhiều lý do: giảm khối lượng tuần hoàn, mất antithrombin qua nước tiểu, tăng D-Dimer…

Suy dinh dưỡng: Khi trẻ bị hội chứng thận hư, trẻ thường có biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, đồng thời hàm lượng protein trong máu giảm. Điều này có thể khiến trẻ bị suy dinh dưỡng.

Thiếu máu: do ăn kém, do sắt có thể bị rò rỉ ra ngoài theo nước tiểu, dẫn đến thiếu máu khiến cơ thể mệt mỏi, suy nhược.

Suy thận cấp tính: Các tổn thương thận do giảm khối lượng tuần hoàn.

Nhiễm trùng: Trẻ bị hội chứng thận hư thường có nguy cơ nhiễm trùng cao. Một số bệnh nhiễm trùng nguy hiểm có thể xảy ra như viêm phổi, viêm màng não,…

Suy giáp: Hội chứng thận hư ở trẻ có thể bị suy giáp do mất hormon gắn albumin và globulin.

Chế độ ăn uống hội chứng thận hư trẻ em

Chế độ dinh dưỡng đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị hội chứng thận hư ở trẻ. Do đó, khi trẻ mắc bệnh, bố mẹ nên lưu ý:

1. Giảm muối trong khẩu phần ăn

  • Hạn chế muối giúp giảm giữ nước và phù nề, tránh làm tăng huyết áp.
  • Tránh các loại thực phẩm có hàm lượng muối cao như đồ chế biến sẵn, đồ hộp, thực phẩm muối chua, snack, mì ăn liền.
  • Có thể dùng gia vị khác như rau thơm, gừng, nghệ để tăng hương vị.

2. Đảm bảo đủ đạm nhưng không quá nhiều

  • Bổ sung đạm từ nguồn chất lượng như thịt nạc, cá, trứng, đậu phụ và sữa (ưu tiên sữa ít béo hoặc sữa chuyên biệt cho trẻ bị bệnh thận).
  • Tránh tiêu thụ lượng đạm quá cao để giảm tải cho thận. Lượng đạm cần được điều chỉnh dựa vào nhu cầu và tình trạng bệnh của trẻ, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ dinh dưỡng.

3. Hạn chế chất béo bão hòa và cholesterol

  • Ưu tiên dùng dầu thực vật như dầu ô-liu, dầu hạt cải, dầu hạt lanh thay vì mỡ động vật.
  • Tránh các món chiên, rán, thức ăn nhanh, đồ ngọt có hàm lượng chất béo bão hòa cao.
  • Thêm vào chế độ ăn các loại thực phẩm giàu chất béo không bão hòa như cá hồi, cá thu, hạt óc chó.

4. Tăng cường thực phẩm giàu kali

  • Kali giúp cân bằng huyết áp và giảm phù nề. Tuy nhiên, lượng kali cần thiết phải theo chỉ định bác sĩ.
  • Trái cây và rau củ như chuối, cam, dưa hấu, bí đỏ, khoai lang là nguồn cung cấp kali tốt.

5. Bổ sung canxi và vitamin D

  • Bệnh thận hư thường ảnh hưởng đến xương, do đó canxi và vitamin D là thiết yếu.
  • Các sản phẩm từ sữa, sữa chua, phô mai ít muối, hoặc sữa tăng cường canxi là lựa chọn tốt.
  • Cho trẻ tắm nắng sớm mỗi ngày để tổng hợp vitamin D tự nhiên.

6. Uống đủ nước

  • Việc bổ sung nước rất quan trọng nhưng không nên quá nhiều nếu trẻ đang bị phù.
  • Tùy thuộc vào tình trạng của trẻ, lượng nước uống mỗi ngày cần được bác sĩ chỉ định.

7. Hạn chế thực phẩm giàu đường và các loại tinh bột nhanh hấp thu

  • Tránh các loại kẹo ngọt, bánh ngọt, đồ uống có đường để kiểm soát cân nặng và tránh làm tăng đường huyết đột ngột.
  • Ưu tiên tinh bột hấp thu chậm như ngũ cốc nguyên hạt, gạo lứt, khoai lang.

8. Bổ sung các vitamin và khoáng chất khác

  • Bổ sung vitamin C, vitamin B, và các khoáng chất như kẽm, sắt từ thực phẩm tự nhiên hoặc dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ.

 Lưu ý: Chế độ ăn uống cho trẻ mắc hội chứng thận hư cần được điều chỉnh tùy vào mức độ bệnh và thể trạng của trẻ. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo dinh dưỡng phù hợp và an toàn cho trẻ.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc